Khoa học máy tính là gì? Có phải là công nghệ phần mềm không?
Cứ mỗi mùa tuyển sinh lại có nhiều bạn trẻ thắc mắc về vấn đề này. Các câu hỏi thường gặp là: “Em thích lập trình game, liệu có nên vào Khoa học Máy tính?”, “Có phải Khoa học Máy tính đào tạo ra kỹ sư phần mềm?”… Trong bài viết sau đây Hour Of Code Vietnam sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về ngành Khoa học Máy tính.
Khoa học máy tính là gì?
Khoa học Máy tính là một trong những ngành học quan trọng tại các trường đại học đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) nói riêng và kỹ thuật nói chung. Đây là ngành học dành cho những bạn trẻ đam mê nghiên cứu chuyên sâu về CNTT, khả năng tính toán của hệ thống máy tính.
Chương trình trang bị cho sinh viên (SV) kiến thức nền tảng và chuyên sâu về Khoa học Máy tính như: cấu trúc máy tính, hệ điều hành, ngôn ngữ lập trình phần mềm và phần cứng, trí tuệ nhân tạo, bảo mật và an toàn máy tính, xử lý dữ liệu khối lượng lớn từ mạng internet và các mạng xã hội, thiết kế và phát triển các ứng dụng cho các thiết bị di động và môi trường web…
Vì sao khoa học máy tính thường bị nhầm lẫn với công nghệ phần mềm?
Cứ mỗi mùa tuyển sinh lại có nhiều bạn trẻ thắc mắc về vấn đề này. Các câu hỏi thường gặp là: “Em thích lập trình game, liệu có nên vào Khoa học Máy tính?”, “Có phải Khoa học Máy tính đào tạo ra kỹ sư phần mềm?”…
Khoa học Máy tính là nền tảng của mọi lĩnh vực liên quan đến CNTT, trong đó có Công nghệ Phần mềm. Ngành này giúp người học nắm vững kiến thức thuật toán, hiểu biết đầy đủ về các lĩnh vực đa dạng của máy tính.
Từ đó, người học mới tiếp tục đào sâu về một mảng chuyên biệt của CNTT như Công nghệ Phần mềm, Lập trình Di động… Quá trình chuyên biệt hóa kỹ năng này diễn ra khi SV học lên cao học, học thêm chứng chỉ chuyên môn hoặc đơn giản là được đào tạo thực tế tại doanh nghiệp.
Nói cách khác, bạn phải có kiến thức căn bản về Khoa học Máy tính trước rồi mới khu biệt chuyên môn của mình trong phạm vi hẹp hơn là Công nghệ Phần mềm.
Kỹ sư khoa học máy tính cần có tố chất nào?
Khả năng tư duy logic, óc trìu tượng tốt
Theo nhiều chuyên gia, Khoa học Máy tính là một chuyên ngành khó vì nó thiên về lý thuyết, học thuật. Tố chất quan trọng nhất đòi hỏi ở những người chọn chuyên ngành này là khả năng tư duy logic, óc trừu tượng tốt. Học toán giỏi thì làm Khoa học Máy tính giỏi.
Kiên nhẫn, tỉ mỉ, có khả năng chịu áp lực tốt và quản lý thời gian hiệu quả
Đặc trưng công việc của ngành này là làm theo dự án. Một khi còn trong dự án thì việc một kỹ sư Khoa học Máy tính “ăn, ngủ với computer”, làm việc nhiều hơn 8 tiếng một ngày là chuyện bình thường. Do vậy, người làm việc trong ngành này phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, có khả năng chịu áp lực tốt và quản lý thời gian hiệu quả.
Có khả năng làm việc nhóm hiệu quả
Team-work-able là một kỹ năng bắt buộc đối với kỹ sư Khoa học Máy tính, bởi 99,9% các dự án đòi hỏi phải làm việc theo nhóm. Điều quan trọng nhất là bạn phải học cách làm việc cùng với những người khác để thực hiện mục tiêu chung.
Có một số lời khuyên bỏ túi mà dân lập trình vẫn hay chuyền tay nhau. Các tip này đem áp dụng cho Khoa học Máy tính vẫn không khác biệt kết quả là mấy.
- Không bao giờ sợ phải bắt đầu.
- Khi phát triển phần mềm, hãy nghĩ đến tương lai.
- Bạn sẽ không bao giờ trở thành một kỹ sư Khoa học Máy tính giỏi nếu chỉ tập luyện 2 giờ mỗi ngày.
- Tất cả các công việc đều có phần thú vị và phần buồn chán, Khoa học Máy tính không có ngoại lệ.
- Kẻ thù số một của kỹ sư Khoa học Máy tính là kiêu căng.