Giáo viên thời đại số và những rủi ro
Giáo viên thời đại số – Vai trò, khó khăn, thách thức đặt ra với người thầy trong xã hội hiện đại là những vấn đề cần được các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô quan tâm.
Phải chăng Giáo viên thời đại số gặp rất nhiều rủi ro?
Xã hội hiện đại đang có những yêu cầu, đòi hỏi rất cao và cũng rất chính đáng đối với nhà giáo. Ngày nay, sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh với nhà trường rất tốt, rất tích cực. Phụ huynh đóng góp rất nhiều trong nhà trường, nhưng bên cạnh đó sự giám sát của phụ huynh cũng là một áp lực không nhỏ đối với người thầy. Ngày xưa, thời còn đi học, chúng ta còn nhớ người thầy được toàn quyền tạo ra sản phẩm theo cách của mình. Thầy có thể đặt ra yêu cầu rất cao, thực hiện những cách răn dạy của thầy mà phụ huynh không can thiệp vào. Chuyện thầy cô quát mắng học trò cách đây 10-20 năm, nó không phải là vấn đề. Nhưng bây giờ chỉ cần một hành động nhỏ của thầy cô là thông tin tràn ngập trên báo chí, mạng xã hội và người thầy lập tức bị lên án.
Và giờ đây, đâu đó cũng sẽ có những thầy cô lên lớp, dạy cho hết giờ để ra, chứ không còn hoàn toàn đặt hết tâm huyết như cái cách người thầy cách đây 10-15 năm đã làm.
“Tuy nhiên. Chúng ta cần coi đây là một thách thức lớn, giúp thầy cô tháo gỡ những thách thức này. Để trả người thầy về đúng vị trí, đúng tâm thế của người thầy, giúp cho người thầy có một môi trường làm việc an lành nhất”
Trao đổi với Hour Of Code Việt Nam GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ vui như sau
“Làm giáo viên thời đại số vô cùng nhiều rủi ro. Thậm trí rủi ro hơn cả tham gia giao thông. Bố mẹ có phạt con một cái coi là chuyện bình thường. Nhưng người thầy mà làm thế, bị quay clip đưa lên thì là bạo hành học đường. Những rủi ro ấy diễn ra thường xuyên trong những tình huống sư phạm vô cùng đa dạng. Người thầy bây giờ dạy xong buổi nào mới biết hôm đó mình an toàn”.
Thế giới phẳng, Giáo viên thời đại số liệu có biết nhiều?
Người thầy luôn phải thay đổi, luôn phải tạo dựng những chuẩn mực mới, thích nghi với chuẩn mực mới. Giáo dục bây giờ không chỉ đơn thuần là kiến thức, mà là sự hiểu biết, tiếp cận, khả năng nhận biết, năng lực giải quyết vấn đề.
Chúng ta thấy rằng, ngày xưa thầy trò dạy và học theo sách. Còn bây giờ thế giới mở, có cả một kho tàng kiến thức ngoài nhà trường mà học trò có thể tiếp cận. Liệu khi lên lớp, thầy đã biết được nhiều hơn trò hay chưa? Vì thế, vấn đề ở đây không phải là thầy biết nhiều hơn, mà là thầy phải làm chủ tình huống đó. Thầy muốn làm chủ, thầy phải chủ động, tiếp cận được nhiều cái mới của xã hội. Yêu cầu đó đòi hỏi thầy phải nỗ lực nhiều hơn.
Hiện nay, với nguồn thông tin đa dạng, hoàn toàn khác với cách đây 10-20 năm. Học sinh bây giờ dễ dàng tìm kiếm kiến thức trên mạng. Những kiến thức này được mô tả cụ thể, nhiều góc độ và dễ hiểu hơn so với bài giảng của thầy mình rất nhiều. Vì thế “nếu Giáo viên thời đại số mà không thay đổi, sẽ gây nhàm chán, bản thân người thầy sẽ tự đào thải. Học sinh sẽ đào thải cách dạy của thầy để tiếp phương pháp mới từ xa”.
Với xu hướng của cuộc cách mạng 4.0. giữa cái thực và ảo có những giới hạn mập mờ, thông tin sẽ là con dao hai lưỡi nếu như người thầy không định hướng chính xác. Giáo viên phải là người kích thích khả năng tự học của học sinh. Giáo viên thời đại số cần phải tự đổi mới, tiên phong đi trước. Giáo viên cũng cần nhìn thấy mặt trái của vấn đề, tiên đoán những tình huống có thể xảy ra. Khi đó giáo viên mới là người định hướng con đường đúng giúp học sinh tiếp cận với kiến thức, kỹ năng mới.
Giáo viên thời đại số cần phải có quyền lực cao nhất trong lớp học?
Giáo viên thời đại số phải chăng đang dần mất đi nhiệt huyết của người thầy? Nguyên nhân do đâu? Có phải do áp lực công việc, áp lực kiến thức ngày càng tăng? Hay do lương giáo viên quá thấp?… Tất cả đều là nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân nhỏ nữa khiến giáo viên dần mất đi nhiệt huyết. Đó là quyền lực của giáo viên trong thời đại số ít nhiều bị giảm sút. Thiết nghĩ, Giáo viên thời đại số cần được trao quyền lực cao nhất ở trường học. Họ phải là người có quyền sáng tạo cao nhất, là người có nhu cầu đổi mới, đề xuất đổi mới và là người điều chỉnh. “Làm được như vậy thì cải cách giáo dục sẽ đi vào đúng bản chất, đi ra từ đời sống giáo viên và quay lại hoạt động của giáo viên ở nhà trường. Để có được cái đó, giáo viên phải được thỏa sức sáng tạo”.
Hour Of Code Việt Nam