Nghề giáo đối diện nhiều áp lực trong thời đại số
Lâu nay dư luận đang xôn xao về vụ việc cô giáo Nhung ở Long An, chỉ cần search từ khóa ” cô giáo quỳ” ngay lập tức chúng ta nhận được gần 1,5 triệu kết quả trong 0.31 giây. Rồi lại vụ lùm xùm 500 giáo viên ở Đăk-Lawk… Thông qua vụ việc này cũng ta dễ dàng thấy được rằng: Ở Việt Nam chúng ta, có rất nhiều mỹ từ để nói về nghề giáo như “nghề cao quý” hay “kỹ sư tâm hồn”… Tuy nhiên hiện nay, ở thời đại công nghệ số, thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì có lẽ những mỹ từ đó chỉ còn trên sách báo và tivi.
Trong thực tế, nghề giáo là một trong những nghề đang chịu nhiều áp lực và bị đối xử thiếu công bằng nhất trong các nghề.
Trước hết là nói về sự công bằng. Có thể nói làm nghề giáo khác hoàn toàn với những nghề khác trong xã hội, vì nghề này không xác định thời gian lao động trong một ngày.
Nếu những nghề khác có quy định rõ thời gian làm việc trong ngày (ví dụ 8-9 giờ/ngày) thì nghề giáo lại không thể như thế. Sau giờ đứng lớp, về nhà người thầy còn phải làm rất nhiều việc khác như soạn giáo án, chấm bài, chuẩn bị đồ dùng học tập, làm các loại sổ sách, thậm chí phải kết toán sổ sách (nếu họ bị buộc phải thu những khoản thu nào đó do trường quy định)
Nhà giáo ở Việt Nam không đơn thuần là làm công việc giảng dạy, mà còn làm nhiều việc không tên khác, chưa nói đến việc phải tham gia các phong trào. Như vậy gần như nhà giáo chỉ nghỉ ngơi, tách khỏi công việc liên quan đến trường lớp khi đi ngủ mà thôi.
Vấn đề kế tiếp mà giáo viên đang gặp phải, đó là thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Có thể nói hiện nay nhiều bậc phụ huynh gần như không cộng tác với giáo viên trong quá trình giáo dục con em mình, mà hình như chỉ chăm chăm vào việc bắt lỗi giáo viên, khi giáo viên có một hành xử nào đó chưa đúng đối với con em mình. Xã hội cũng gần như luôn chực chờ lên án mỗi khi có một vụ việc sai phạm nào đó xảy ra nơi các giáo viên.
Phụ huynh, xã hội không hiểu rằng, giáo viên cũng là một con người, cũng có những khiếm khuyết, cũng có thể mắc sai lầm, họ không phải là những siêu nhân miễn nhiễm khỏi mọi áp lực từ cuộc sống đời thường.
Một vấn đề không thể không nói tới đó là hành vi, ứng xử của học sinh ngày nay. Có lẽ không cần phải khảo cứu chuyên sâu, mà chỉ cần quan sát cũng có thể thấy học sinh ngày nay cực kỳ khó giáo dục hơn học sinh ngày xưa.
Đạo lý “tôn sư trọng đạo”, sự lễ phép đối với người lớn, đối với thầy cô ở học sinh dường như đang phai nhạt dần và ở mức rất thấp. Tất nhiên đây không phải lỗi của các em, mà lỗi từ phía xã hội, từ môi trường sống,… thậm chí là từ người lớn: sống và được uốn nắn trong một bối cảnh nhiều bạo lực, nhiều ứng xử phi chuẩn mực thì làm sao học sinh không bị lây nhiễm được?
Sự lây nhiễm này được các em mang vào và thể hiện trong trường học, giáo viên chính là người trực tiếp lãnh nhận những điều đó.