Những mô hình đào tạo đậm chất công nghệ

Hai mô hình đào tạo được nhắc đến dưới đây, tuy không lạ nhưng theo triết lý đào tạo định hướng công việc, giúp người học làm được việc ngay sau khi ra trường, thậm chí khi còn chưa ra trường.

Học với các “mentor”

Đam mê CNTT, không thích bó buộc mình vào các phương pháp học truyền thống, thay vào đó bạn muốn chủ động học với các tài liệu trên mạng, không hiểu chỗ nào có thể chủ động hỏi để được chuyên gia hướng dẫn (mentor) trả lời ngay. Mỗi tháng bạn được trực tiếp gặp các mentor để đánh giá kết quả học cũng như học thêm các kỹ năng mềm và cập nhật kiến thức về cuộc sống…

Đây chính là mô hình đào tạo của đại học trực tuyến FUNiX do Hệ thống Giáo dục FPT vừa ra mắt cách đây không lâu. Thật ra, đại học trực tuyến không phải mới mẻ tại Việt Nam. Lâu nay, loại hình đào tạo online, đào tạo từ xa vốn dành cho những người không thể đến trường, ở vùng sâu, vùng xa; bên cạnh đó, chất lượng người học chưa tốt cũng như bằng cấp cũng không được xã hội đánh giá cao. Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM nhận định: “Mô hình đại học trực tuyến mang lại hiệu quả cao đặc biệt ở việc tiết kiệm thời gian, không gian và lượng kiến thức tiếp thu cũng khá tốt. Đại học trực tuyến cũng là mô hình triệt để nhất trong việc áp dụng CNTT vào công tác giảng dạy. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn giới hạn ở nhiều chuyên ngành. Theo tôi, việc đào tạo đại học theo mô hình trực tuyến không nên áp dụng 100% trên môi trường internet mà cần phải theo xu thế kết hợp, giảng viên vẫn cần có cơ hội trực tiếp trao đổi cùng sinh viên, truyền tải cảm hứng, hướng dẫn chi tiết theo từng đối tượng khác nhau”.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, người sáng lập FUNiX

So với hình thức đào tạo của đại học truyền thống, phương pháp dạy và học cũng như việc kiểm soát chất lượng sinh viên đang được áp dụng tại FUNiX là rất mới, với mục tiêu hỗ trợ tối đa để sinh viên nhanh chóng nắm bắt được kiến thức và áp dụng vào thực tế. Những bài giảng hay nhất về CNTT của các đại học nổi tiếng như Standford, Harvard, RMassachusets Institute of Technology… sẽ được tích hợp trong nội dung đào tạo của FUNiX.

Mở đầu cho xu thế giáo dục mới, kết hợp CNTT và công nghệ giáo dục trong môi trường mở, FUNiX hứa hẹn sẽ thổi một làn gió mới vào hệ thống đào tạo CNTT tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, người sáng lập FUNiX chia sẻ: “Chúng tôi muốn mọi người hiểu đào tạo online không kém, thậm chí còn hơn các hệ đào tạo phổ biến hiện tại bởi quan trọng là cách học. Chúng tôi chú trọng 3 điểm: Thứ nhất, giáo trình học tốt nhất. Thứ hai, được gặp người hướng dẫn (mentor) là các chuyên gia uy tín ngay từ khi bắt đầu học và thứ ba là học viên tự quyết định được tốc độ học. Đây đang là các vấn đề hiện tại của giáo dục. Sinh viên ra trường hay thậm chí là người đi làm cũng không được gặp gỡ, chia sẻ với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình”.

Điều thú vị là các mentor tại FUNiX hầu hết đều là chuyên gia, lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn trong ngành CNTT, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình. Những chia sẻ nằm ngoài tất cả những gì đã nói đến trong sách vở, báo đài… chính là cơ hội mà mỗi sinh viên có thể nắm bắt được, tùy thuộc vào sự mạnh dạn, tính sáng tạo, chủ động tìm ra cơ hội và đường đi cho chính mình. Các mentor sẽ là người bạn đồng hành, chỉ đường và giúp sinh viên giải quyết các khó khăn phát sinh. Sinh viên có thể lựa chọn mentor và nhận được sự hỗ trợ 24/24. Mentor cũng sẽ được các sinh viên đánh giá theo thái độ và chất lượng của câu trả lời.

“Trong thời đại Internet, dạy không quan trọng bằng dỗ. Hay nói cách khác, truyền đạt tri thức không quan trọng bằng tạo động cơ học tập. Tôi cho rằng, việc đặt được câu hỏi đúng quan trọng hơn việc tìm câu trả lời. Sinh viên phải được rèn luyện kỹ năng đặt đúng câu hỏi, khi gặp phải những vấn đề phát sinh trong chuyên môn cũng như cuộc sống của mình. Họ sẽ luôn tìm thấy tri thức cần thiết và bạn đồng hành không chỉ từ những mentor mà cả trong thế giới mạng bao la”, Tiến sĩ Nam bày tỏ.

Mô hình “Học kỳ trải nghiệm”

Đinh Đình Nhân, cựu sinh viên ngành An ninh mạng của Trường Cao đẳng CNTT iSpace một thời gian dài “ở lì” trong xưởng thực tập của trường khi đang là sinh viên năm cuối để chuẩn bị cho kỳ thi đầy thử thách của Học viện an ninh mạng SANS (Mỹ) và đã xuất sắc trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên chính thức nhận được chứng chỉ danh giá GIAC GISF của Học viện này.

Nhân cho biết, em cũng như những sinh viên khác của trường iSpace xem xưởng thực tập là nơi để trải nghiệm môi trường doanh nghiệp, là nơi để các bạn trẻ đam mê công nghệ có thể cập nhật kiến thức, công nghệ mới cho mình.

Theo chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Hiệu trưởng iSpace, nhà trường kết hợp với nhiều hãng công nghệ xây dựng các nhà xưởng thực nghiệm trong trường để sinh viên thực tập. Toàn bộ thiết bị máy móc cần thiết đều được trang bị đầy đủ, tương ứng với từng công việc có trong giáo trình thực tập. Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng trải nghiệm thực tế, theo định kỳ, đại diện từng doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là người thầy hướng dẫn sinh viên thực hiện các công việc, cùng sinh viên thực hiện một dự án cụ thể mà doanh nghiệp đang triển khai.

Được biết, để đào tạo ra nguồn nhân lực có thể làm việc ngay, ngoài việc trang bị môi trường học tập hiện đại, đậm chất CNTT, trường iSpace áp dụng phương pháp đào tạo chuyên sâu với thực hành chiếm hơn 70% chương trình học; đặc biệt, mỗi sinh viên đều được trải nghiệm với hơn 500 giờ làm việc thực tế tại xưởng thực tập thông qua mô hình “Học kỳ trải nghiệm”. Chương trình được coi là bài test quan trọng giúp sinh viên tăng cường khả năng hòa nhập công việc tại các doanh nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tại xưởng, sinh viên sẽ được thực tập dưới sự hướng dẫn của doanh nghiệp như một nhân viên thực sự để cảm thụ được văn hóa doanh nghiệp và quen dần với môi trường làm việc trước khi ra trường. Kết thúc mỗi học phần, giai đoạn, sinh viên phải chứng minh năng lực chuyên môn của mình với nhà trường và doanh nghiệp qua các sản phẩm thật có khả năng ứng dụng được. Đây là mô hình đào tạo đặc thù của trường iSpace nhằm trang bị toàn diện cho sinh viên, từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng hành nghề thực tiễn.

Sinh viên iSpace tại xưởng thực tập

Theo quan điểm của nhà trường, chỉ cần giải quyết hai yếu tố: một là sinh viên biết rõ về công việc sẽ làm sau khi ra trường và hai là sinh viên được làm thử, được đánh giá đạt hay không đạt thì bạn sẽ có được công việc như ý sau khi tốt nghiệp.

“iSpace cam kết mang đến môi trường học tập đúng chất CNTT và theo sát sinh viên từ khi nhập học đến khi tốt nghiệp và làm việc tại các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo”, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

Đối với những sinh viên muốn có thêm thu nhập trong quá trình học và làm thêm đúng chuyên ngành, Thạc sĩ Hoàng Anh cho biết trường sẽ hỗ trợ các bạn này thông qua các dự án thực tế của nhiều doanh nghiệp hợp tác với trường, mà đơn cử như các dự án về thiết kế quảng cáo, maketing online, thi công hệ thống mạng… Thù lao sinh viên nhận được dao động từ 1-1,5 triệu đồng tháng, tùy theo dự án tham gia có thể có mức thu nhập cao hơn nhiều.

Song song với việc đào tạo chuyên môn và kỹ năng theo phương pháp đặc thù của “Học kỳ trải nghiệm”, sinh viên còn được chú trọng rèn luyện về kỹ năng mềm, trình độ Anh ngữ TOEIC 350 – 400 và kỹ năng sử dụng tin học văn phòng theo chuẩn quốc tế (MOS).

hourofcode.vn: Nguồn echip

Table of Contents

Share this post

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on whatsapp
WhatsApp

Related posts

Keep in touch

Hãy đăng ký email để nhận được những thông tin khuyến mãi cũng như chính sách học phí tốt nhất dành cho bé.