Chương trình Tin Học trong trường Phổ thông còn lạc hậu
Trong khi công nghệ thông tin thay đổi từng giờ và các chương trình, phiên bản ứng dụng mới trên thế giới liên tục ra mắt thì học sinh phổ thông ở nước ta lại phải học những thứ không ai còn sử dụng nữa. Sao cứ bắt học trò phải học những thứ lỗi thời, thậm chí đã bị thế giới khai tử như thế?
Học nhưng không thể… hành!
Thực trạng dạy và học môn tin học ở trường phổ thông trong cả nước đã được mổ xẻ, lên tiếng từ nhiều năm qua và đầu năm học này nó tiếp tục gây bức xúc cho người dạy lẫn người học. Trong khi công nghệ thay đổi như vũ bão thì việc biên soạn chương trình, tài liệu học tin học của Bộ GD-ĐT lại chậm hơn gần thập kỷ. Cụ thể, từ lâu Microsoft đã “khai tử” hệ điều hành Windows Xp cùng bộ Word Office 2003 và giới thiệu nhiều bộ điều hành mới với nhiều tính năng hiện đại, thì chương trình dạy tin học ở các bậc học vẫn bắt học sinh nhai đi nhai lại ngôn ngữ lập trình cũ rích này. Nhiều giáo viên dạy tin học ở TPHCM bức xúc đặt vấn đề: “Tại sao Bộ GD-ĐT hô hào đổi mới giáo dục nhưng không cập nhật kiến thức, phiên bản mới mà vẫn tiếp tục tái bản chương trình biên soạn dạy môn tin học cách đây hơn 10 năm?”.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Hữu Thành, Tổ trưởng Tổ tin học Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), do vẫn duy trì lối mòn “thi gì học nấy” nên các trường học vẫn phải “bám sát” chương trình mà Bộ GD-ĐT quy định. Thực ra, học sinh rất thích môn tin học nhưng bị ép học ngôn ngữ lập trình quá cũ, quá lạc điệu so với thực tế đã khiến các em mất hứng, học cho có, học chỉ để đi thi. Tương tự, nhiều học sinh bậc THPT ở TPHCM cũng than trời khi phải học ngôn ngữ lập trình lỗi thời, không ai còn sử dụng như Pascal. Khảo sát thực tế, chúng tôi nghe nhiều học sinh lớp 11 ở các trường THPT thắc mắc: “Chúng em không thể hiểu nổi tại sao phải nhai đi nhai lại chương trình tin học lạc hậu và không thể ứng dụng vào thực tiễn như ngôn ngữ lập trình Pascal?”.
Tuy nhiên, để khắc phục độ vênh, sự lạc điệu trong học mà không thể hành kiểu này, nhiều trường phổ thông ở TPHCM đã chủ động “cứu học trò”, linh hoạt đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị máy tính có cấu hình đời mới, cập nhật, cài đặt chương trình, phần mềm tiện ích, hiện đại hơn. Thầy Vũ Nguyễn Anh, phụ trách bộ môn Tin học Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo hướng tích cực, học nhóm, học theo đề án…, nhà trường chủ động cập nhật kiến thức mới về công nghệ thông tin, cài đặt ngôn ngữ lập trình có nhiều ứng dụng, phiên bản mới với nhiều tiện ích, hướng dẫn học sinh lập trang web, sử dụng Powerpoint, trang bị thêm kỹ năng về photoshop… Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng cho rằng, những giải pháp đổi mới dạy học môn tin học và “tự cứu mình” này chỉ là tình thế, “giật gấu vá vai”. Khó khăn chung là thiếu điều kiện để trang bị phòng máy vi tính hiện đại, kết nối mạng Internet nội bộ đủ mạnh, thiếu giáo viên tin học giỏi… Nhiều trường còn khó khăn về cơ sở vật chất thì than đang phải sử dụng máy vi tính cũ, cấu hình thấp, chạy hệ điều hành cũ. Ngay ở các quận trung tâm, dù có cơ sở vật chất tốt, nhiều trường cũng than chưa đủ máy vi tính, cần đầu tư thêm phần mềm giảng dạy, nâng cấp phòng máy hiện đại hơn.
Cập nhật, đổi mới nội dung chương trình
Theo các chuyên gia và giáo viên dạy tin học, các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin thay đổi liên tục và từng trường học không thể đầu tư mua riêng lẻ hoặc chạy theo một mình. Vì thế, Bộ GD-ĐT hoặc Sở GD-ĐT từng địa phương phải làm đầu mối cập nhật thông tin và cung ứng phần mềm tiện ích cho trường học. Hơn nữa, ngoài tăng biên chế giáo viên dạy tin học cho trường học, cần bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho đội ngũ này để họ cập nhật kiến thức, phiên bản mới về công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giảng dạy. Một chuyên gia của Microsotf nói rằng, nếu đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nhưng thiếu người có năng lực biết điều khiển, khai thác nó thì không mang lại hiệu quả. Hiện các trường học đang thiếu giáo viên dạy tin học có trình độ, năng lực, giỏi tiếng Anh. Bởi lẽ, dù đã đào tạo nhiều giáo viên tin học nhưng những cử nhân giỏi nghề, có trình độ tiếng Anh lại quay lưng với nghề giáo vì thu nhập thấp.
Một vấn đề đặt ra nữa là tin học không giống các bộ môn khác, luôn đòi hỏi đổi mới, cập nhật và sự mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo. Vì thế, không thể biên soạn chương trình cố định mà nên biên soạn theo modun như tin học căn bản, Windows, soạn thảo văn bản, ngôn ngữ lập trình, modun Internet… Song song đó, Bộ GD-ĐT nên thay đổi hình thức thi lấy chứng chỉ bậc THCS và THPT và khuyến khích học sinh học theo hướng mở, học suốt đời để nâng cao trình độ, kiến thức, ứng dụng mềm dẻo vào thực tiễn công việc, đời sống. Hiện TPHCM đang lấy ý kiến cho đề án phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành giáo dục giai đoạn 2015-2020. Đây cũng là một trong những mục tiêu đổi mới giáo dục, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin vào trường học và nâng cao trình độ, kỹ năng tin học đạt chuẩn quốc tế cho học sinh TPHCM trước yêu cầu hội nhập giáo dục toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu mà đề án đặt ra, các trường học đều góp ý, thành phố phải đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, xây dựng nền tảng công nghệ thông tin thích ứng với việc dạy và học theo hướng tích cực, sáng tạo. Trước mắt cần cập nhật, điều chỉnh chương trình giảng dạy môn tin học, cung cấp tài liệu, phần mềm mới, hiện đại, phù hợp với thực tế và đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học.
Theo bà Lê Nhi, Trưởng phòng Quan hệ cộng đồng của Microsoft Việt Nam, trong nhiều năm qua, Microsoft đã hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trực tiếp và gián tiếp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho 64.000 lượt giáo viên trong cả nước. Ngoài ra, nhiều giáo viên Việt Nam đoạt danh hiệu giáo viên sáng tạo toàn cầu của Microsoft cũng nhóm lửa, tiên phong truyền đạt kinh nghiệm giảng dạy sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin. |